Là một người có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn mức cần thiết, tôi chưa bao giờ quên bất kì một lỗi lầm nào mình mắc phải.
Tôi có thể dằn vặt từ tuần này qua tuần khác chỉ với một câu nói mà tôi cho rằng người nghe đã “trừ điểm” mình. Cho dù tôi rất quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh, và hạn chế tối đa khả năng khiến người khác phải lo lắng, thì tôi cũng không thể phủ nhận một sự thật, đó là tôi không dễ tha thứ.
Có lẽ vì tôi chấp nhặt với bản thân, nên không dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác. Tôi thường xuyên cảm thấy việc ai đó làm sai, đi ngược lại với kế hoạch ban đầu, hay trái với quan điểm cá nhân của tôi đều là khó chấp nhận. Cho đến khi giữa chúng tôi không còn mối liên hệ nào nữa, thì sự việc ấy mới được tôi bỏ qua.
Cũng như vây, có rất nhiều sự việc tưởng chừng như có sức ảnh hưởng rất lớn với tôi, khiến tôi nổi nóng và muốn “trả đũa” đối phương ngay lúc đó, lại trở thành một chấm nhỏ li ti khi nhìn lại, khi người đó không còn trên cõi đời, hay khi chính bản thân tôi gặp phải quá nhiều lỗi lầm.
Tôi không dám nhận mình là người cởi mở, nhưng quả thật, sự rèn giũa của thời gian, trải nghiệm cuộc sống và đặc biệt là việc đọc sách, đã giúp tôi bớt định kiến và hiểu hơn về những điều (tưởng chừng như) không thể chấp nhận được.
Chuyện ngoại tình
Sếp đầu tiên của tôi là một người tuyệt vời. Cho đến bây giờ khi tôi biết một chút về đời tư cá nhân của ông, rằng ông có người phụ nữ khác ngoài vợ, thì tôi vẫn không thay đổi nhận định đó.
Thời điểm tôi bắt đầu công việc, ông đã ngoài 65 tuổi. Là một người cuồng công việc và có trọng trách lớn, ông thường có mặt ở văn phòng vào khoảng 10h sáng và chưa bao giờ tan làm trước 2h sáng ngày hôm sau. Mọi người thường lén đùa nhau rằng, ngoài lúc vợ gọi kiểm tra thì sếp chẳng mấy khi rời mắt khỏi những thứ liên quan đến công việc hay bài vở của sinh viên.
Tôi đoán vợ ông phải sát sao lắm. Một lần sinh nhật tôi, sếp đưa mọi người đi ăn đêm vào lúc 1 rưỡi sáng và yêu cầu phải chụp ảnh lại để gửi cho vợ xem. Tôi bật cười nghĩ thầm trong bụng, tại sao lại có thể chịu đựng cái kiểu kiểm soát ấy suốt cuộc đời nhỉ?
Và đúng là ông có cách giải quyết của riêng mình. Một người phụ nữ khác rất thân cận với văn phòng tôi làm chính là người bên cạnh ông. Tôi đã nghe nhiều lời đồn đại, nhưng điều đó rất khó tin với một đứa “mũi xanh” như tôi. Ông ấy còn lớn tuổi hơn bố mình, và cô kia chỉ bằng tuổi chị gái mình. Chuyện chỉ có trên phim, chẳng nhẽ lại xảy ra ngay trước mắt mình?
Vài năm sau, khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp về nước, tôi càng biết nhiều hơn về đời tư của sếp. Nói một cách ngắn gọn, niềm yêu công việc và hoàn cảnh gia đình có thể giải thích cho sự thành công trong sự nghiệp của ông. Bên cạnh người vợ luôn muốn theo dõi ông từng hành động, thì con cái là điều khiến ông muộn phiền. Những đứa con đã ngoài 40 tuổi mà công việc nay đây mai đó, một người bạn đời khiến ông không muốn về nhà – có lẽ điều đó khiến ông lấy công việc làm niềm vui.
Tất cả những gì tôi biết, và chia sẻ ở đây có thể chỉ là 1% trong bức tranh toàn cảnh, nhưng cũng một phần nào đó khiến tôi hiểu lý do tại sao nhiều người đàn ông lựa chọn ngoại tình. Trong một mối quan hệ, sự thông cảm là điều tất yếu, nhưng nếu điều đó trở thành sự chịu đựng, thì giải thoát cũng là chuyện dễ hiểu. Có người dừng lại, có người chấp nhận, có người lựa chọn cả hai, và thêm vào một nhân vật mới để có lý do bước tiếp.
Tôi cũng hiểu ra rằng, cho dù có được chấp nhận hay không, thì chuyện ngoại tình luôn có lý do đằng sau đó.
Chuyện giới tính thứ ba
Ngành Marketing của tôi ở RMIT cực kỳ thú vị – rất nhiều thầy cô là người đồng tính, và cả sinh viên cũng vậy. Với hình thức làm việc nhóm điển hình, những người tôi quen biết đều có tính cách đa dạng. Một ngày, tôi nhắn tin cho chị bạn cùng nhóm để mượn máy ảnh, và nhận lại được câu trả lời: Làm bạn gái chị đi, chị sẽ cho em mượn máy.
Tôi chẳng dám tương tác thêm với chị sau kỳ học đó.
Mặc dù việc nhìn các cặp đôi đồng giới nắm tay nhau, hôn nhau trong lớp học đã không còn khiến tôi “nổi da gà”, nhưng khi chuyện đó trực tiếp xảy đến với mình, tôi lại thấy thật kỳ cục. Điều làm tôi khó hiểu hơn lúc đó, là bạn gái của chị đã có một anh bạn trai đúng nghĩa sau khi chia tay chị. Cũng thời điểm đó, tôi lại quen thêm một chị khác khi làm chung bài nhóm, và những hành động quan tâm như mang dù cho tôi ngày mưa, mua đồ ăn sáng, nhắn tin quan tâm mỗi ngày…đã tạo nên khoảng cách giữa chúng tôi. Với định kiến này, tôi không muốn liên quan đến những người có “giới tính đặc biệt”.
Khi biết đến HH Hương Giang, đám cưới của cặp đôi Sơn Đoàn và Andrian Anh Tuấn, lắng nghe hành trình đi đến hạnh phúc của họ, tôi như mở rộng được dung lượng trái tim mình. Hoá ra, những điều bình dị nhất trong cuộc sống như yêu đương, lại rất khó khăn với người đồng giới.
Một sự thật đau lòng mà tôi nghe qua những đoạn băng phỏng vấn người đồng giới là, cha mẹ là người sau cùng được biết về câu chuyện thật của con cái mình. Thật trớ trêu khi chúng ta vẫn được nung nấu niềm tin rằng, chỉ có gia đình là không bỏ rơi ta trong gian khó hay khi thất bại; gia đình luôn yêu thương chính con người chúng ta, một cách vô điều kiện. Vậy mà không phải ai cũng đủ dũng khí để “là chính mình” khi đối mặt với người nhà.
Biết được những câu chuyện về người đồng giới, tôi thật sự cảm phục và tôn trọng những mối quan hệ của họ. Trong thế giới rộng lớn này, điều gì cũng có thể xảy ra và tất cả đều là những câu chuyện đáng học hỏi.
Chuyện phạm tội
Sinh ra và lớn lên trong môi trường có bố mẹ trong ngành giáo dục, tôi biết giới hạn và nguyên tắc của mình. Đồng thời, tôi biết cách để “nhận diện” những gì không phù hợp với bản thân. Điển hình như việc không giao lưu với những người có xăm trổ. Với chúng tôi ngày ấy, người có hình xăm thường đại diện cho nhóm “vào tù ra tội”, mà với người đã có án thì không cần biết nguyên do, cứ phải tránh xa thật xa.
Tôi chưa từng tiếp xúc hay nghiên cứu kĩ về tội phạm, ngoại trừ anh Hiếu PC – một người quá nổi tiếng trong giới công nghệ bây giờ. Lúc mới biết câu chuyện của anh, tôi thật sự thán phục. Bái phục một con người vừa rời khỏi tù lao đã có thể bắt nhịp với cuộc sống, tự tin chia sẻ về quá khứ; bái phục Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã “can đảm” tuyển dụng một người có tiền án tiền sự, lại thông minh và có thể tái phạm bất cứ lúc nào.
Thật khó để đồng cảm với những người đã trực tiếp đe doạ đến sự sinh tồn của người khác. Tuy nhiên, qua lời kể của anh Hiếu, tôi dường như hiểu được động cơ và cả động lực của anh lúc phạm tội.
Điều mà người trẻ không có đó là trải nghiệm sống. Khi đang cố vươn tới một quả đồi, ít ai biết rằng một khi đã ở đỉnh núi, chúng ta rất khó chấp nhận việc phải đứng ở dưới nhìn lên cao. Hiếu PC đã chia sẻ, rằng sau khi anh kiếm được một khoản tiền lớn và có nhận thức về hành vi phạm tội của mình, anh cũng kịp nhận ra mình không thể dừng lại. Điều đáng tiếc nhất đó là anh không có một vốn hiểu biết toàn diện về nguồn thu nhập của mình, cũng như cái giá phải trả. Chỉ cho đến khi ngồi ở toà và được nghe quan toà giải thích, anh mới nhận ra mình chẳng khác nào kẻ giết người hàng loạt. Lúc đó anh nhận án 40 năm tù.
Niềm tự hào của những đứa trẻ mới lớn và khao khát được công nhận có một sức mạnh kỳ diệu, làm đòn bẩy cho mọi hành động nhỏ bé và vĩ đại, đúng và sai. Sự công nhận của người khác không chỉ quan trọng với con trẻ, mà ngay cả với những người trưởng thành cũng vậy. Nhưng hầu hết người trưởng thành đủ nhận thức để biết điều gì đang không tốt, hoặc đang có vấn đề để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngược lại, nếu không có sự thấu hiểu và định hướng từ những người thân yêu nhất, lứa tuổi trẻ nhỏ rất dễ phạm sai lầm mà ngay cả chúng cũng không hiểu được hậu quả.
Để có được những suy tư mà tôi cho rằng khá “cởi mở” này, tôi phải cảm ơn tác giả Khaled Hossein. Sau hơn nửa năm không đọc được cuốn sách nào, Hossein khiến tôi trong vòng 1 tuần đã mong ngóng đến giờ nghỉ trưa để đắm chìm vào thế giới của tình thân, của những sự kiện rất đời thường mà dâng trào cảm xúc: cười sảng khoải, hạnh phúc và đau khổ cho từng nhân vật. Tôi bị thu hút từ những trang đầu tiên, khi bối cảnh mở ra là tình bạn kỳ lạ của hai cậu bé với 2 thân phận khác nhau. Trong bối cảnh thương tâm của Afghanistan trong năm 2021 này, tôi lại càng trân trọng tác phẩm này hơn. Nhờ có Hossein mà tôi phần nào hiểu được sự ảnh hưởng lớn lao của tín ngưỡng tôn giáo lên tư tưởng và hành động của con người nơi đây. Vì vậy, không thể phán xét ai đúng, ai sai; mà ngược lại, hiểu được lý do cho mỗi hành xử của con người lại quan trọng hơn rất nhiều.
Người đua diều là tác phẩm đầu tiên tôi đọc trong chuỗi sách của tác giả Khaled Hossein. Điểm độc đáo của cuốn sách nằm ở tình tiết bất ngờ nhất, xuất hiện gần cuối cuốn sách. Trong khi tôi dành tình cảm rất lớn cho một vài nhân vật nhất định, thì “phút hạ màn” của Hossein khiến tôi phải đắn đo, liệu mình có nhìn nhầm con người thật của nhân vật ấy hay không? Liệu ai mới là người đáng thương, và ai là kẻ đáng trách?
Sau tất cả, người đáng thương nhất là người không hiểu được những người xung quanh, đặc biệt là người chúng ta yêu thương, và cũng là người yêu thương chúng ta nhiều nhất. Thấu hiểu, đồng cảm khiến cho mỗi phút giây ở bên nhau có ý nghĩa hơn. Thêm vào đó, mong muốn được thấu hiểu và sự cảm thông giúp chúng ta thiết lập tư duy mở, xoá bỏ những định kiến, tạo tâm thế bình tĩnh trước mọi bất ngờ dù là không như ý trong cuộc sống. Quan trọng hơn hết, thấu hiểu được sự đa dạng của tâm lý con người và tôn trọng tất cả mọi câu chuyện xung quanh sẽ giúp cho việc tha thứ trở nên dễ dàng hơn.
Tha thứ cho người khác để khiến đầu óc mình thanh thản, và để coi nhẹ mọi vấn đề trong cuộc sống.
Điểm sáng của cuốn sách:
- Cốt truyện
- Diễn biến tâm lý nhân vật
- Bối cảnh: lịch sử khắc nghiệt của Afghanistan
Khía cạnh mà tác giả còn có thể làm tốt hơn:
- Chỉ đến khi tất cả những người liên quan đến nỗi đau của nhân vật chính đều qua đời, cậu ấy mới chấp nhận tha thứ cho người và cho mình? Nếu như vậy thì đó chưa hẳn là một diễn biến nhân văn, mặc dù nó phản ánh đúng thực tế, rằng mọi mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi một trong hai chết đi.
- Mặc dù bối cảnh chiến tranh khiến tác phẩm trở nên thú vị và cảm xúc hơn, nhưng tác giả chưa tìm được cách kết nối bối cảnh ấy với câu chuyện chính. Ở điểm này, tôi chủ quan đặt giả thiết rằng, vì không có nhiều hiểu biết về Hồi giáo và văn hoá của Afghanistan, vậy nên tôi chưa lý giải được thắc mắc trên. Nhưng có thể người đọc khác sẽ có cảm nhận hoàn toàn ngược lại.
Tôi đã ngả mũ ngay với giọng văn của Khaled Hossein trong những trang sách đầu tiên. Đó là một người kể chuyện mộc mạc, dí dỏm và rất tài tình trong việc chắt lọc tình tiết. Nếu bạn không thể nhớ nổi lần cuối cùng đọc sách là lúc nào, nhưng cũng không ngừng hi vọng bản thân có thể lấy lại được động lực để xây dựng/duy trì thói quen đọc, tôi tin rằng Khaled Hossein sẽ là người đồng hành đắc lực!
Nếu có đọc, hãy cho tôi biết cảm nghĩ, hay những bài học bạn rút ra được từ tác phẩm Người đua diều nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com