Discover our membership benefits

Niềm vui đáng buồn

Có lần ngồi tán gẫu, một đồng nghiệp ở công ty kể với tôi rằng: Cái đứa mới vào thái độ không thể chấp nhận được, có kinh nghiệm làm ở chỗ A mà cứ nghĩ mình là mẹ thiên hạ. Gặp đúng sếp nhà mình cũng cứ khen nó, mà hôm nay nó làm sai lại còn cãi, chị quạt cho nó một trận, im luôn không dám nói gì.

Không biết bao nhiêu lần tôi được chứng kiến những biểu cảm vui mừng như vậy. Một chị bạn nói với tôi với vẻ tự hào cùng gương mặt của người chiến thắng, rằng sau khi cãi nhau với chồng, chị ấy đã không nấu nướng gì trong 3 ngày liên tiếp rồi cầm thẻ lương của anh mua sắm đã đời, “cho chừa cái tội lớn tiếng”. Một người mẹ trẻ kể chuyện cậu con trai bị đánh đã ăn đòn vì tội dùng điện thoại chơi điện tử trong giờ học online, chị chốt lại một câu đắc thắng: “tưởng qua mặt được mẹ mà dễ à”.

Tôi không phải người trong những câu chuyện ở trên, không được chứng kiến để biết rõ mọi việc đã diễn ra như thế nào. Và vì vậy, bài viết này không nhằm mục đích kết luận ai đúng, ai sai.

Điều khiến tôi suy nghĩ là sự tồn tại của một niềm vui, khi chúng ta khi chiến thắng một cuộc tranh cãi, được trừng phạt người khác và nhìn thấy họ trong dáng vẻ “lép vế”. Những gì được chứng kiến cũng khiến tôi tự hỏi, liệu thứ tình cảm mà chúng ta luôn nhắc tới, như tình yêu vợ chồng, tình mẫu tử, tình đoàn kết…có bao gồm những phút giây chúng ta làm tổn thương nhau hay không?

Tôi cũng nhận ra rằng, đứa trẻ trong mỗi chúng ta chẳng bao giờ lớn, vì lòng hiếu thắng chưa từng mất đi. Và, càng quan tâm về thắng – thua, chúng ta lại càng dễ mất đi sự tự tin về chính bản thân. Nếu người đồng nghiệp tôi kể ở trên tự tin về năng lực của mình, thì chị ấy sẽ chẳng cảm thấy ấm ức khi thấy người khác được sếp “để ý” hơn. Người vợ trả đũa chồng bằng cách không nấu ăn và tiêu tiền của anh ta có lẽ đã có phần lo sợ, rằng sau khi tranh luận, chồng vẫn không hiểu ý mình, không nghe theo lời của mình. Hoặc, chị không tự tin về tính thuyết phục trong lời nói của mình khi cãi nhau, vì thế mới phải dùng thêm một biện pháp khác.
Nhưng trên tất cả, câu chuyện khiến tôi buồn lòng nhất là về cậu con trai bị mẹ đánh roi. Còn nhớ, một Giáo sư đã phân tích hành vi bạo lực của người lớn lên con trẻ trong show thực tế Cha mẹ thay đổi của VTV6, ông chia sẻ rằng, sử dụng đòn roi thể hiện sự bất lực của người lớn nhiều hơn là quyền lực, bởi hành động đó cho thấy người lớn không biết cách giải quyết vấn đề, mà chỉ biết ra tay đánh trẻ nhỏ như một biện pháp thuận tiện và nhanh gọn nhất.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Tương tự như việc nổi nóng hay lớn tiếng, chúng ta đánh trẻ nhỏ vì cho rằng những gì trẻ làm là “quá đáng”, khiến người lớn không thể kiên nhẫn nhỏ nhẹ khuyên bảo. Nhưng một bác sỹ giỏi sẽ không đánh bệnh nhân vì chữa trị mãi không khỏi bệnh, và cũng sẽ không phá nát nội tạng khi gặp phải một ca mổ khó khăn, thậm chí ngay cả khi họ đã kiệt sức.

Sau tất cả, niềm vui sau khi khiến người khác tổn thương là trạng thái thường bắt gặp ở những người nghĩ rằng, mình đã thắng đối phương. Và rồi, cuộc chiến đó cứ thế tiếp diễn, chúng ta vẫn luôn ở trong vòng luẩn quẩn của thắng – thua, dần dần nó sẽ hút cạn sức lực của mỗi người.

Niềm vui luôn đáng gặt hái, nhưng đừng quên tự hỏi, chúng ta đang vui vì điều gì? Niềm vui ấy có quan trọng không, nó có vai trò gì trong cuộc sống của mình?

Và nhớ lại sự tổn thương của người đối diện, dáng vẻ tội nghiệp của họ, cho dù là người lạ hay người thân, chúng ta có thật lòng vui mừng vì điều đó?


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Tôi hi vọng bạn sẽ đón nhận bài viết đầu tiên của chuyên mục này.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com