Discover our membership benefits

Công nhận

Trong một lần đi tham gia khoá tập huấn dành cho người mới, đội 4 người chúng tôi đi ăn trưa và trò chuyện về lý do ứng tuyển. Cùng than vãn về việc học sản phẩm quá khó, quá phức tạp, chúng tôi đùa rằng học xong chắc xin chuyển vị trí ít liên quan, kiểu như hành chính chẳng hạn.

Một bạn trẻ nhất trong nhóm đã nói: thanh xuân chỉ có một lần, phải làm được điều gì đó chứ chả lẽ lại đi làm hành chính như chị M?

Dù công ty luôn cố gắng gây dựng văn hoá tốt đẹp, mọi phòng ban đều có vai trò khác nhau, nhưng dường như mức độ quan trọng của mỗi vị trí và tính chất công việc luôn được đặt lên bàn cân. Thậm chí trong cùng một bộ phận, có người sẽ cảm thấy mình ít được chú ý và ghi nhận hơn.

Một công việc phù hợp với sở thích, một vị trí đúng với năng lực, thêm mức lương đủ thoả mãn đôi lúc không thắng nổi một thứ cảm giác, đó là: được công nhận. “Cảm giác được công nhận” chỉ là một mảnh ghép, đôi khi là vô hình, nhưng nếu thiếu đi nó, nhiều người trong chúng ta sẽ mất hẳn hứng thú với công việc và môi trường hiện tại.

Từ ngày đến phỏng vấn, tôi có dịp được quan sát chị M khá nhiều vì vai trò của chị là đón và hỗ trợ khách tới showroom. Trong khi tôi và sếp nói chuyện thì chị luôn để ý dọn đĩa ăn và dụng cụ sau khi dùng bữa, rót thêm trà nóng cho chúng tôi… Thật thú vị khi nhìn chị làm tôi nhớ đến quy tắc mà chúng tôi học được khi phục vụ khách ở khu nghỉ dưỡng: cho dù ở vị trí nào trong nhà hàng, mắt và tai bạn phải hoạt động hết công suất để lắng nghe tiếng dao/nĩa/muỗng, nhận biết lúc nào cần xuất hiện để dọn dẹp. Nhưng sau khi trở thành nhân viên chính thức, và có nhiều thời gian trò chuyện, tôi hiểu rằng chị M chẳng được dạy về quy tắc đó, tất cả đến từ kinh nghiệm quan sát. Chị cũng kể thêm cho tôi rất nhiều về những công việc có liên quan trước đó, tôi hiểu rằng chị rất tự hào về quãng đường mình đi qua.

Trong một tổ chức, luôn có những công việc nhận được “ít ánh đèn” hơn, ví dụ như nghiên cứu viên, chuyên viên phát triển sản phẩm, nhân viên điều hành kỹ thuật. Trong một cuộc họp, khi chúng ta đang dán mắt vào các loại báo cáo, giấy tờ, thì lại có người phải quan tâm tới bình trà, hay ly nước của sếp đã cạn chưa, quan sát xem có ai thiếu tài liệu…Những người như chị M thường không tham gia sâu vào công việc chuyên môn của bất kỳ bộ phận nào, và khi có người gặp bế tắc, họ không thể đưa ra những phương án giải quyết. Dường như đó là lý do không nhiều người có thể gắn bó với công việc hành chính. Hoặc, họ chỉ xem đó là công việc, chứ không phải là sự nghiệp.

Tuy vậy, tôi tin rằng việc một ai đó quyết định nghỉ việc sau thời gian ngắn, không chỉ gói gọn trong phạm vi công việc hành chính như chị M. Sâu thẳm hơn, nhiều người trong chúng ta không thể tiếp tục gắn bó với một tổ chức vì thiếu đi cảm giác được ghi nhận.

“Cảm giác được công nhận” không nhất thiết phải đến từ cấp trên mà có thể là đồng nghiệp, khách hàng, thậm chí là người thân. Với tôi, được ghi nhận cũng không hẳn là được tăng lương, nâng chức vụ hay những bằng khen, mà nó chỉ là cơ hội được giao lưu, thảo luận cùng đồng nghiệp; được đưa ra ý kiến và được lắng nghe. Một cách cực đoan hơn, “cảm giác được công nhận” sẽ đến khi được cấp trên giao công việc, khi nhận những lời góp ý dù khen hay chê và cả khi ai đó ở bộ phận khác tò mò, hỏi han về những đầu việc tôi đang làm.

Tuy nhiên, nếu “cảm giác được công nhận” quan trọng như vậy, vậy điều gì đã khiến những người như chị M có thể gắn bó với công việc? Phải chăng, sự ghi nhận luôn cần đến từ bên ngoài?

Tôi đã từng có một thời gian dài gắn liền với môi trường học thuật, nơi mà tính chất công việc không đòi hỏi nhiều tương tác, giao lưu rộng rãi, những thành tựu về nghiên cứu (ở mức trung bình như chúng tôi đã làm) cũng chỉ được đón nhận lặng lẽ. Nhưng khi bước vào môi trường doanh nghiệp, tôi thú nhận mình đã từng thấy cô độc và trải qua nhiều ngày tự vấn: chắc mọi người đều thắc mắc về vai trò của mình ở công ty này nhỉ? Công việc của mình chẳng ai biết đến, cũng không liên quan đến bất kỳ ai (người duy nhất tôi phải báo cáo là sếp tổng), không hỗ trợ được gì cho các bộ phận khác. Tôi cũng có nhiều ngày tự hỏi mình đến công ty vì mục đích gì? Sự tồn tại của mình ở đây có đóng góp gì không? Sau cùng, tôi cũng hỏi bản thân rất nhiều, rằng tôi có nên đổi việc không…

Rõ ràng nếu được, chúng ta thường lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề theo chuyên môn và sở thích cá nhân. Và tôi đã đưa cho bản thân mình một vài câu hỏi trắc nghiệm nhanh.
1. Chọn làm ở những phòng ban khác để có cơ hội được “nhìn thấy” nhiều hơn, hay tiếp tục với công việc mình yêu? (Rõ ràng tôi sẽ chọn làm việc mình yêu)
2. Tự thấy công việc hiện tại thú vị hay chán ngắt? (Ah, cũng không đến nỗi chán, tôi cũng học được nhiều thứ mới mà)
3. Tự thấy những gì mình làm quan trọng hay vô dụng? (Hmm, chắc cũng quan trọng chứ, nhưng chẳng biết sếp nghĩ thế nào)
…..
Sau nhiều ngày độc thoại, tôi vẫn không phủ nhận vai trò của “cảm giác được ghi nhận”. Tuy nhiên, tôi dần hiểu ra người tôi cần chứng tỏ nhất, lại chính là bản thân. Chúng ta cần hiểu những gì mình đã và đang làm, hiểu nội dung và giá trị của công việc ấy trước khi có người nhìn thấy và công nhận. Sự ghi nhận tốt nhất phải đến từ bản thân mình, vì mình là người ở trong vị trí đó, và gắn liền với những đầu việc đó mỗi ngày.

Ở bức tranh thực tế, chúng ta thấy rằng việc cắt giảm nhân sự luôn bắt đầu với những phòng ban ít vai trò, hoặc những nhân viên không được đánh giá cao. Nhưng nếu không gặp khủng hoảng thì họ vẫn tồn tại trong một tổ chức, mặc dù không nhận được nhiều sự công nhận. Vì vậy, cách tốt nhất để chúng ta tìm ra ý nghĩa của những công việc mình làm, là hãy ghi nhận đóng góp của bản thân.
Đó không nhất thiết là những đóng góp trực tiếp như tăng lợi nhuận lên 50%, mang đến lượng khách hàng lớn, hay nâng cấp toàn bộ hệ thống vận hành. Đôi khi, điều đó chỉ đơn giản như: đào sâu vốn hiểu biết của mình với những gì đang diễn ra, tìm ra một vài điều bất ổn, đưa ra ý kiến cải thiện, cập nhật những xu hướng mới phù hợp với mô hình kinh doanh hiện tại…

Thêm vào đó, bằng cách quan sát những người đam mê với công việc của họ, tôi nhận thấy ở họ ngoài tình yêu, còn là sự tự tin vững vàng với những gì mình đang làm.
Có lần tôi quên bấm giờ ra về, và vì điều đó có thể làm ảnh hưởng đến công việc của chị M nên tôi đã nhắn tin sau khi tan làm, rằng tôi sẽ tự đánh dấu vào ngày mai. Tôi đã quên mất chuyện đó, chỉ đến khi nhận ra chị M đã giúp tôi. Việc chị ấy đặt sự chú ý lên những điều nhỏ nhất đã khiến tôi hiểu tại sao chị M lại luôn đi làm với tâm trạng vui vẻ. Và rõ ràng, không phải mọi điều chị M làm đều được chứng kiến hay ghi nhận, phần lớn mọi người đều nghĩ rằng đó là trách nhiệm chị cần hoàn thành mà thôi.

“Cảm giác được ghi nhận” mang đến động lực cho chúng ta nỗ lực, nhưng hãy chủ động hơn trong việc tạo ra cảm giác tốt đẹp ấy. Nếu bạn đang cảm thấy chán nản, hay lo lắng mình chỉ là “người vô hình” trong môi trường làm việc, thì hãy tự hỏi liệu bạn đã có niềm tin với chính công việc mình làm mỗi ngày hay chưa, nhé!

Nếu được chọn một điều khiến bạn chưa từ bỏ công việc hiện tại, điều đó là gì?


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com