Discover our membership benefits

Trường cải tạo dành cho thanh thiếu niên

Tôi từng xem một bộ phim tài liệu về hành trình trưởng thành của Paris Hilton. Trong đó tình tiết về ngôi trường có sự tác động lớn nhất tới tính cách và suy nghĩ của cô khiến tôi muốn chia sẻ với bạn đọc.

Theo lời kể của Paris Hilton, cha mẹ từng gửi cô tới nơi dành cho những đứa trẻ có lối suy nghĩ và hành vi lệch lạc. Những đứa trẻ ở đó sẽ tham gia chương trình rèn luyện và cải tạo. Có lẽ chúng ta đều biết sự có mặt của những cơ sở giáo dục như vậy, dưới những tên gọi khác nhau, như: trường cải tạo, trường giáo dưỡng…

Tôi hiểu rằng, mục đích cao cả của những nơi như vậy là mong muốn cải thiện những điều chưa tốt ở lứa tuổi vị thành niên, hi vọng các bạn có thể sống tích cực và có tương lai tốt đẹp. Điều này cũng không hề dễ dàng vớ những người điều hành và tham gia trực tiếp giảng dạy. Vì vậy, trong bài viết này tôi không thảo luận đến những khía cạnh trên.

Điều khiến tôi suy nghĩ là khái niệm “cải tạo”, được sử dụng với đối tượng thanh thiếu niên. Sức mạnh của ngôn từ có thể đã khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ có đối tượng hư hỏng, nghiện ngập, gọi chung là “gia đình bất lực” mới được gửi vào những nơi như vậy.

Mặt khác, tôi biết rằng việc định hướng cho thế hệ tương lai của đất nước là trách nhiệm của ngành giáo dục nói chung. Nếu không có nền tảng giáo dục tốt, mọi người đều có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và xã hội. Tuy nhiên, với những trường hợp như của Paris Hilton, hay những đứa trẻ có phần “khác biệt”, tôi nghĩ rằng việc “cải tạo” dường như có phần chưa đúng.

Từ tuổi 13, tôi đã làm rất nhiều điều điên rồ. Với nhiều phụ huynh khác, tôi bị đánh giá là “có dấu hiệu hư hỏng”. Tôi tin vào điều đó. Nhưng bây giờ, khi nhìn những đứa trẻ nổi loạn khác, tôi không đánh giá chúng hư hỏng, tôi nghĩ rằng chúng cần một người bạn, một người đồng hành.

Mỗi người lớn lên và hiểu biết hơn qua năm tháng là nhờ có sự tò mò, và những trải nghiệm. Thời học tiểu học, tôi tò mò về chị gái tôi rất nhiều, và tôi ước có thể được đi chơi riêng với bạn bè mà không có bố mẹ. Những ngày học cấp 2, tôi tò mò về những người có nhan sắc, ngoại hình nổi bật, và tôi muốn có được điều đó. Vậy nên tôi bắt đầu thử sức với rất nhiều mẫu quần áo khác nhau, mà người lớn gọi tôi là “con nhà giàu phá tiền”. Tôi cũng biết đến mua hàng online từ đó. Vài năm cuối cấp 3, tôi chỉ ước được lên ĐH để được tận hưởng sự tự do, được lựa chọn bạn chơi, và cách mình sống. Cũng trong những năm tháng ấy, tôi (và có lẽ nhiều người) đột nhiên không còn muốn bố mẹ đưa đón, muốn ngủ lại qua đêm ở nhà bạn, muốn đi chơi xa mà không phải cùng gia đình.

Tôi tin rằng đó là những mong muốn rất dễ hiểu, đơn giản vì chúng ta đang lớn lên và khao khát trải nghiệm cũng vậy. Mọi thứ chỉ xảy ra ngoài mong muốn khi những đứa trẻ mới lớn bị cấm đoán.

Với quan sát của tôi, có 2 lý do khiến người lớn cảm thấy lo lắng và bắt đầu áp dụng “luật thép”. Thứ nhất, trong mắt cha mẹ và gia đình, họ luôn cố gắng để nuôi dạy những đứa trẻ trở thành phiên bản tốt nhất: ngoan ngoãn, biết nghe lời, chăm chỉ học hành, sống có đạo đức…Và những tiêu chuẩn đó không phải do họ đặt ra, mà là đến từ quan niệm văn hoá của cả xã hội. Ví dụ, chỉ một lần cúp học, hay một hình xăm cũng có thể khiến người lớn “bùng nổ” vì hành động ấy, đối với họ, là phá vỡ công sức xây dựng của họ bấy lâu nay. Thứ hai, họ bất ngờ nhận ra con cái làm những điều không tốt mà không xin phép hay thông báo. Họ cảm thấy mối quan hệ giữa họ và những đứa trẻ bị phá vỡ. Cảm giác ấy cũng giống như việc bạn nhận ra đứa bạn thân nhất, ngày nào cũng nói chuyện cùng bạn, đột nhiên cưới chồng – và người chồng đó bạn cũng chẳng quen biết. Đau lòng hơn, là những người khác biết thông tin và nói lại cho bạn.

Tôi hiểu tâm lý của những vị phụ huynh, đặc biệt là những người đã trải qua quá nhiều tổn thương trong quá khứ, những nuối tiếc và thất bại của tuổi trẻ đã tạo nên một niềm hi vọng khổng lồ, đặt lên thế hệ tiếp nối của họ. Tương tự như khi ta chiên cá, lần đầu lật cá bung bét khiến chúng ta rất cẩn thận cho những lần sau đó. Vì ta lo lắng rằng chỉ một chút sai lệch cũng khiến món ăn thất bại. Như vậy, hành động “bất thường” của những đứa trẻ tạo nên cảm giác hoang mang cho người lớn, họ cảm thấy mình đã mất kiểm soát với “tác phẩm” của mình.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tin rằng có một người, hay thậm chí một tổ chức nào đó có thể tạo nên tác phẩm hoàn hảo. Những thứ “sai sai” ở thời đại này, lại là chuyện quá đỗi bình thường ở thời đại khác. Cách đây gần 10 năm, việc học sinh cấp 3 đến trường trang điểm, hay đánh son môi, sơn móng tay và nhuộm tóc là điều tuyệt đối cấm kỵ. Một đứa bạn gái đến nhà chơi với chút son môi hay chiếc quần short cũng khiến cha mẹ lo lắng là con mình đang chơi “nhầm bạn”. Ngược lại, ngày nay con gái dù ở độ tuổi nào, ra đường không đánh son cũng bị gọi là như-chết-trôi.

Thêm vào đó, hai chữ “cải tạo” – tôi cho rằng hoàn toàn không phù hợp với độ tuổi chưa trưởng thành. Đó là lứa tuổi mà tụi nhỏ vừa nhận ra, mọi điều gia đình dạy không còn là nhất tôn chỉ, mà trở thành một trong những nguồn thông tin tham khảo. Bộ não thông minh bắt đầu tìm cách để kiểm chứng những điều cha mẹ nói. Có lúc những đứa trẻ cũng nhận ra một vài điều gây trăn trở: tại sao có những việc họ chưa bao giờ làm, nhưng kết luận đó là điều sai trái và mình không được phép làm? Vậy rốt cục đâu mới là điều đúng đắn? Mình nên hỏi ai bây giờ?
Đó là lứa tuổi của sự khám phá bản thân và thế giới, không ngừng tiếp nhận thông tin, và thử sức. Đặc biệt, một số bạn sẽ lựa chọn những thứ được cho là “vùng cấm” để thử trước. Đáng tiếc là người lớn không được biết, vì trẻ con không muốn chia sẻ với họ.

Tôi hiểu những lo lắng của người lớn, rằng trẻ con không hiểu sự đời và việc “không ba năm dại một giờ” sẽ phá nát cuộc đời sau này. Nhưng với những gì vừa chia sẻ ở trên, tôi nghĩ rằng điều quan trọng không phải là lúc con trẻ thực sự tham gia vào hành động, mà là thời khắc trước đó, khi trong đầu chúng có ý định, có mong muốn nhưng lại không tâm sự với bất kỳ người lớn nào, đặc biệt là gia đình. Nếu hành động đó khiến chúng phải chịu hậu quả (ví dụ như vi phạm pháp luật) thì thực ra, sự đổ vỡ đã xảy đến ở giây phút chúng quyết định không chia sẻ với người trong gia đình.

Vì vậy, khi gửi vào nơi “cải tạo” – rất khó để trẻ em có thể hiểu được tại sao những gì chúng làm bị cấm cản, hay thực sự chúng đã sai ở đâu. Ngược lại, phần lớn chỉ có thể nhìn thấy sự chỉ trích ngày càng nghiêm trọng, và khoảng cách giữa những thế hệ ngày một lớn dần. Sẽ chẳng ai cải tạo được ký ức buồn đau trong tuổi thơ, ngược lại, những hành động được cho là có khả năng làm thay đổi hành vi xấu xa, sẽ chỉ khiến những đứa trẻ cảm thấy không được tin tưởng, và quyết tâm làm điều mình muốn cũng từ đó mà sâu sắc hơn.

Tôi tự hỏi, liệu có thể tồn tại một mối quan hệ bạn bè giữa người lớn và trẻ nhỏ? Để người lớn sẽ không mất đi cơ hội được hiểu hơn về con trẻ, để được lắng nghe và đặt mình vào vị trí của người còn lại, để biết rằng dù mình đã đi qua độ tuổi đó, nhưng dường như mình chưa từng hiểu suy nghĩ, hoặc những mong muốn ngây thơ của con. Nếu có thể, chúng ta có thể thử cùng nhau làm một vài điều không?


Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.

Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!

Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!

Giang In Real Talk.

** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com