Nếu được chọn ra 2 điều để làm nên một tình bạn, thì tôi nghĩ đó là sự lắng nghe và thấu hiểu.
Tôi từng theo dõi nhiều đoạn băng phỏng vấn cộng đồng những người LGBT trong và ngoài nước. Câu hỏi họ thường nhận được là: Gia đình đã có phản ứng như thế nào khi biết bạn là người đồng tính?. Cũng dễ hiểu khi không phải ai cũng đón nhận điều đó với một thái độ bình tĩnh và tích cực. Tuy nhiên, điều thú vị và cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, là sự thật: Cha mẹ thường là người sau cùng biết về giới tính thật của con cái. Và người biết đầu tiên, là bạn bè.
Bài viết này không bàn luận chi tiết về chủ đề trên. Tôi muốn dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa bản thân và những người trong gia đình. Rõ ràng, tình thân là điều quý giá nhất, và bố mẹ, anh chị em là những người sẽ không bỏ cuộc với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, tôi không phủ nhận về khoảng cách nhất định giữa những người trong gia đình.
Tại sao có rất nhiều sự việc (với tôi là 99%) chúng ta chỉ lựa chọn chia sẻ với bạn bè, thay vì người thân? Điều gì khiến nhiều người trẻ xin lời khuyên về tình yêu, sự nghiệp…từ bạn bè – những người cũng thiếu kinh nghiệm sống như mình; thay vì từ bậc tiền bối như cha mẹ?
Sau tất cả, tình cảm gia đình có thật sự đóng vai trò quan trọng hay đó chỉ là quy chuẩn đạo đức mà chúng ta được dạy? Và, liệu rằng mối quan hệ vĩnh cữu ấy có thể phát triền bền chặt hơn nếu chúng ta có thể học cách làm bạn với những người trong gia đình mình?
Lựa chọn
Tình thân và tình bạn giống nhau ở chỗ, chúng ta dành cho đối phương một tình cảm đặc biệt hơn so với những người khác. Và, thứ tình cảm này, vì thế, đóng vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và trưởng thành của mỗi người.
Chúng ta không được lựa chọn ai là gia đình của mình, nhưng có thể chọn người để kết bạn. Thông thường, bạn bè được hiểu trên phương diện những người cùng trang lứa, không có mối quan hệ huyết thống như bạn cùng lớp, bạn ở công sở. Điều đặc biệt, là không nhiều người lựa chọn kết bạn với gia đình của mình.
Từ ngày vào ĐH, sau đó đi du học và đi làm, hơn 90% những sự kiện diễn ra trong suốt nhiều năm của tôi, cả tích cực lẫn tiêu cực, đều chỉ được biết bởi một vài người bạn thân. Những thời điểm đòi hỏi bản thân tôi phải đưa ra quyết định về nghề nghiệp, gặp bế tắc khi đứng trước tương lai mơ hồ, tôi vẫn tìm đến bạn bè – những người cũng có kinh nghiệm sống hạn hẹp như tôi vậy. Phải chăng, hầu hết chúng ta đều cảm thấy thoải mái hơn khi được tâm tình, sẻ chia với bạn bè, thay vì bố mẹ? Có rất nhiều lý do có thể giải thích cho vấn đề này, như khoảng cách thế hệ, hay thói quen sinh hoạt, văn hoá. Nhưng trong sâu thẳm, tôi nghĩ rằng lý do lớn nhất khiến tôi không tìm đến người thân trong gia đình khi gặp khó khăn là vì tôi không thực sự cần lời khuyên.
Nhiều cuộc nói chuyện của tôi và bạn bè không có kết luận. Vài tiếng đồng hồ trôi qua, chúng tôi cùng nhau than vãn về những vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống, về công việc hay những mối quan hệ khác, nhưng hiếm khi tôi tìm đến bạn với mong muốn tìm được một “công thức sống tốt hơn”. Tôi có thể được biết tới nhiều hướng đi tích cực hơn, khắc phục vấn đề của chính mình một cách nhanh chóng hơn nếu lắng nghe lời khuyên của bố. Không chỉ là một người từng trải, bố tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong quá trình gây dựng sự nghiệp từ một lãnh đạo trẻ nhất Tỉnh tôi ngày ấy. Nhưng thực tế, tôi chưa từng làm vậy. Điều chúng ta cần trong một cuộc hội thoại, không nhất thiết là “tôi hỏi – bạn trả lời”. Chúng ta đơn giản muốn được giãi bày, được người khác lắng nghe và khiến ta cảm thấy mình không phải người duy nhất đang bế tắc.
Việc lựa chọn bạn bè để tâm sự thay vì cha mẹ, cũng là vì yếu tố tâm lý này. Càng lớn, tôi càng thấm thía định nghĩa của một người trưởng thành, đó chính là cho dù bạn có than phiền với cả thế giới về những khó khăn bạn phải đối mặt, thì cuối cùng bạn vẫn phải tự đưa ra cách giải quyết. Nhưng dĩ nhiên, thật tuyệt nếu ít nhất có thể tìm một ai đó để than phiền.
Do vậy, chúng ta lựa chọn thân thiết hơn với một ai đó là vì cảm giác mà họ mang lại.
Lắng nghe và thấu hiểu
Rất nhiều người, bao gồm cả tôi, không muốn than phiền với gia đình, người thân vì với họ, chúng ta quá đỗi quan trọng. Bạn còn nhớ ánh mắt của mẹ nhìn bạn khi bạn bị đứt tay chảy máu chứ? Ở tuổi dậy thì, bạn đã từng phát khóc khi nghe bố mắng về cách ăn mặc của bạn, hay việc một người bạn trai chở bạn về nhà sau 10h đêm? Thời điểm tốt nghiệp cấp 3 và chuẩn bị thi ĐH, bạn có cảm giác việc bạn lựa chọn trường hay ngành nghề nào là vấn đề của tất cả mọi người trong gia đình và mọi câu chuyện trong bữa cơm đều xoay quanh chủ đề đó?
Trong gia đình, tất cả mọi việc liên quan tới các thành viên đều là chuyện trọng đại, vì vậy cũng thật dễ hiểu khi chứng kiến những phản ứng thái quá của cha mẹ khi họ biết/có linh cảm rằng con cái đang không ổn. Bố tôi từng mất ngủ liên miên trong suốt 6 tháng tôi không tìm được việc. Chị gái tôi lo lắng đến mức không thể tập trung vào công việc khi chứng kiến cậu con trai lén lút đọc truyện tranh trong giờ họ online.
Điều này ngược lại, cũng thật đáng sợ với những người làm con. Là một người trưởng thành, tôi hiểu mình sẽ phải tìm được một công việc, chỉ là tôi cần thêm thời gian. Tôi cũng hiểu mình không phải người duy nhất gặp khó khăn trong công việc. Nhưng điều đó không giúp tôi suy nghĩ tích cực hơn, chỉ vì dáng vẻ lo lắng của những người trong gia đình. Từ câu hỏi “tôi nên ứng tuyển vào công ty nào và vị trí gì?”, tôi thúc giục bản thân “phải làm sao để tìm việc thật NHANH để mọi người không phải lo lắng về tôi nữa”.
Còn với lứa tuổi của một cậu bé tiểu học, việc bồi dưỡng sở thích đọc truyện tranh mà không có người hướng dẫn đã khiến cậu đọc mọi lúc, mọi nơi. Sở thích ấy thậm chí trở nên thú vị hơn rất nhiều so với việc ngồi trước màn hình nghe giảng. Nhưng rõ ràng cậu chẳng thể than phiền về việc học mà cậu thấy chán nản, hay việc đắm mình vào từng trang truyện tranh mà bản thân cậu không thể dừng lại. Trong khi điều cậu bé cần là sự thấu hiểu, và một chút định hướng về cách cân bằng giữa học tập – sở thích, cách khiến việc học trở nên thú vị, cách cân đối thời gian biểu…; thì ngược lại, cậu cần phải nghĩ xem làm sao để đọc truyện mà…không để mẹ phát hiện.
Điều cần thiết nhất, mà cũng khó thực hiện nhất, để rút ngắn khoảng cách giữa hai con người có lẽ là khả năng lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe mà không phán xét, lắng nghe và chấp nhận rằng có nhiều thứ chúng ta không hiểu về đối phương, lắng nghe chỉ để lắng nghe.
Tôi ngưỡng mộ những đứa bạn mà có thể kể cho bố mẹ hay anh chị của họ nghe về mối tình đầu, về những bức thư tình, hay về một ai đó mà họ ghét. Ngược lại, tôi cũng thán phục những người lớn đưa trẻ con đi ăn gà rán một cách vui vẻ mà không kèm theo những câu kiểu như “mấy món nhiều dầu mỡ này có gì tốt đẹp đâu mà thích ăn thế nhỉ?”; “Ăn ít thôi, uống nước lọc chứ đừng uống nước có gas, vừa béo vừa khó tiêu”. Và cả những ông bố bà mẹ ôm con xem bộ phim hoạt hình mà tụi nhỏ đã thuộc luôn cả lời thoại, nhưng vẫn muốn xem nhiều lần hơn nữa.
Xây đắp tình bạn bền vững
Làm bạn với gia đình không dễ dàng như với một ai đó bên ngoài xã hội, nhưng nếu được bồi dưỡng, tôi tin đó là thứ tình cảm tuyệt vời và bền vững.
Chúng ta có xu hướng thân hơn với người này, và “bớt thân” với người khác; hoặc gắn bó với một người bạn thì sẽ ít liên lạc với những người còn lại hơn. Thậm chí có những tình bạn dần phai mờ theo thời gian khi chúng ta có thêm nhiều mối quan hệ. Điều đó không xảy ra khi bạn thân của ta là bố, mẹ hay anh, chị, em trong gia đình. Trong hầu hết mọi trường hợp, chúng ta có thể sẽ phải lắng nghe những lời phàn nàn hay nhẹ hơn là tiếng thở dài từ người nhà khi họ chứng kiến tình trạng không tích cực của ta, nhưng không cần phải lo lắng rằng họ đang nhìn ta như một kẻ thất bại, trong khi điều đó rất có thể sẽ xảy ra với một người bạn thông thường. Trong cuộc gọi với một người bạn từ thời ĐH, chúng tôi nói về công việc khi tôi là người chưa tìm việc được, còn bạn đã đi làm. Mặc dù bạn luôn động viên và giúp tôi nuôi hi vọng, thì tôi cũng không thể tránh khỏi cảm giác yếu kém khi so sánh mình với người đối diện.
Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể chia sẻ mọi chủ đề trong cuộc sống cho người bạn mang tên “gia đình” mà không cần phải cân nhắc điều gì là nên hay không nên nói. Hơn thế, tôi tin rằng chủ đề về những người trong gia đình luôn là thứ chúng ta quan tâm và muốn nói tới. Một người bạn có thể thích nghe chuyện yêu đương ngọt ngào của bạn, hơn là việc bạn có một người sếp khó chịu thế nào. Tương tự như vậy, chúng ta tìm đến một nhóm bạn để cùng kêu ca về khối lượng công việc, những ngày tăng ca liên tục; ngược lại ta nói về những quyển sách hay cho một nhóm bạn khác. Nhưng với bố mẹ, họ sẽ muốn biết và muốn lắng nghe mọi thứ mà bạn nói. Tôi tin chắc có rất nhiều người còn mong ước con cái có thể chia sẻ với họ nhiều hơn, cho dù đó là về một cuộc thi hay về các ngôi sao Hàn Quốc nổi tiếng.
Tôi không nghĩ rằng có ai đó hiểu được toàn bộ mọi sự việc mà họ lắng nghe, kể cả đó là từ người mà họ yêu thương. Nhưng điều quan trọng ở đây đó là sự có mặt. Gia đình sẽ luôn có mặt ở mọi cột mốc cuộc đời, chỉ cần họ có cơ hội. Và cơ hội đó đôi khi chỉ là từ câu “Mẹ ơi, con muốn kể cho mẹ chuyện này”.
Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuộc hội thoại của tôi với cháu trai 8 tuổi – Ben, người đã nói tôi là bạn thân của cậu. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào như vậy với danh nghĩa “một người bạn”. Chúng tôi đã ăn pizza, gà rán và uống coca trong lúc Ben kể về mong muốn được làm Youtuber.
Cũng chính bữa tối đó đã phần nào khiến tôi hiểu được bố mẹ, anh chị tôi sẽ vui đến thế nào nếu tôi có thể cởi mở về họ hơn, chia sẻ về mọi điều vui buồn tôi đã trải qua.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này.
Ai là bạn thân của bạn trong gia đình, để lại bình luận cho tôi biết nhé 😉
Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com