Như có sự sắp đặt kỳ diệu nào đó, tôi luôn gắn bó với những người nóng tính, điển hình như bố tôi. Sau rất nhiều tổn thương mà tôi nhận được khi bố nổi nóng, tôi vô tình nhận ra mình cũng đã “sát thương” người khác nhiều thế nào.
Bản thân tôi là người đã nhận ra điểm yếu của mình trong việc kiểm soát cảm xúc tiêu cực, và vì quá khó chịu với tính cách đó, tôi đã phải rèn luyện cật lực trong nhiều năm trở lại đây.
Biểu hiện đầu tiên của người dễ nổi nóng, hoặc nói một cách trần trụi – kẻ “khùng tính” đó là họ không thể yên lặng khi tức giận. Một vài người không giữ được vẻ mặt yên bình, một vài người không thể im lặng. Bố tôi và tôi lại có cả 2 điều này. Thêm vào đó, theo tôi người nóng tính là không đủ kiên nhẫn trong hầu hết mọi việc, đặc biệt là khi cơn giận kéo đến. Nếu trong cuộc hội thoại, người bình thường có thể lắng nghe nhau nói, thì với người nóng tính, nghe chưa được nửa câu không đúng ý mình thì trong lòng đã có sóng thần.
Một vài người thân thiết từng thắc mắc khi nghe tôi kể về điều gì đó khiến tôi tức “hộc máu”: có gì đâu mà giận nhỉ, thấy cũng bình thường thôi mà? Quả nhiên, câu nói ấy khiến tôi giận hơn, nhưng đồng thời khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tại sao chúng ta nổi nóng? Hơn thế, tại sao rất nhiều người không thể im lặng khi giận dữ?
Tôi may mắn tìm ra lời gợi ý qua bộ phim tài liệu về Rừng, do Our Planet sản xuất. Tôi nhận ra, động vật khi đánh nhau, chúng không thể giữ im lặng. Cho dù đó là nhái biển, diều hâu hay sâu bọ, âm thanh dường như là một thứ vũ khí không thể thiếu, giúp chúng thể hiện sức mạnh của mình.
Có lẽ con người thừa hưởng đặc tính này của động vật và không ngừng phát triển nó, bởi lẽ phần lớn chúng ta khao khát được chiến thắng. Nếu có dịp, bạn hãy để ý khi cuộc nói chuyện trở nên “nóng” lên, ít nhất sẽ có một trong hai người lớn tiếng, hoặc sử dụng mọi cách khiến đối phương tổn thương như dùng ngôn ngữ, tệ hơn là hành động bạo lực. Và càng nóng nảy, chúng ta càng nhận ra cuộc sống tâm hồn của họ nghèo nàn tới nhường nào. Những lời nói cay độc, ánh mắt hay hành động dữ tợn đều cho thấy, họ không đủ tự tin. Do đó, họ lo sợ mình không thể hiện đủ quyền lực trong mắt người đối diện nếu chỉ dùng lời nói nhỏ nhẹ. Với họ, mọi thứ phải phô trương ra bên ngoài thì mới mong có người công nhận.
Ngược lại, người trầm tĩnh có niềm tin bền bỉ vào chính mình. Họ không khao khát cảm giác người khác phải sợ mình. Một người sếp cũ của tôi chưa bao giờ lớn tiếng với bất kỳ ai, nhưng tất cả chúng tôi đều dằn vặt về những lỗi sai không đáng có trong công việc, và đồng lòng quyết tâm không lặp lại. Ông từng đùa rằng, ông không thích phải phát biểu trong các cuộc họp, vì nói nhiều thì sai nhiều. Và cuộc đời ông đến giờ phút này chỉ mong muốn gây ra ít lỗi sai nhất có thể, đặc biệt là trong lời nói. Tôi luôn thấy ở những con người như vậy sự tự tin về năng lực và vốn sống của họ.
Ở một mặt nào đó khác, tôi phát hiện ra rằng, người nóng tính rất giống với người nghiện ma tuý. Khi cơn thèm thuốc ập tới, họ nghĩ rằng sẽ chết nếu không có thuốc. Vì thế, nếu phải đối diện với những người thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, tôi hi vọng bạn có thể thông cảm cho “cơn thèm” của họ. Nếu sống trong cảnh thiếu thốn, rồi họ sẽ “cai nghiện” được thôi.
Dừng đèn đỏ là chuyên mục đặc biệt của tháng 12, bao gồm 31 bài viết, chia sẻ với bạn đọc về những câu chuyện tôi trải qua, và hơn hết là về suy nghĩ của tôi với câu chuyện ấy. Ý tưởng của hầu hết mọi bài viết trong chuyên mục này ra đời khi tôi dừng lại và chờ đèn xanh – khoảng thời gian tôi có những suy nghĩ giản đơn mà chân thực nhất.
Hi vọng bạn sẽ đón nhận và cho tôi biết quan điểm của bạn bên dưới phần bình luận nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm. Hẹn gặp lại bạn đọc trong thời gian sớm nhất!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com