Trong một buổi sáng mùa đông, là người đầu tiên bước ra ngoài và cảm nhận cái lạnh thấu xương, chúng ta thường nói với người ở bên trong là hãy mặc áo khoác.
Tương tự, nếu ta cảm thấy nước dùng của bát phở rất cay, thì sẽ dặn người cùng bàn chớ bỏ thêm ớt.
Thế hệ trước cũng thường cho rằng, điều kiện cuộc sống và chất lượng giáo dục ở thời nay rất tốt, vì thế những đứa trẻ không có lý do gì để học hành yếu kém.
Nhìn chung, cách chúng ta đối xử với người khác thường phản ánh trải nghiệm sống mà ta đã có, kèm theo kỳ vọng mà ta đặt trên vai họ.
Điều đó khiến chúng ta vô tình bỏ quên hai điều quan trọng: Ý nghĩa của trải nghiệm, và Ý nghĩa của cuộc đời.
Trải nghiệm sống
Những bài học, lời khuyên mà chúng ta nhận được từ người khác thường được đúc kết từ trải nghiệm cá nhân của riêng họ. Những bài học ấy được tác động bởi thời điểm, hoàn cảnh, tính cách và tư duy của mỗi người.
Ba người cùng thưởng thức món kem bơ tại một tiệm kem thuộc thương hiệu nổi tiếng. Nhưng, trong khi một người tấm tắc khen ngợi có sự khác biệt rất lớn giữa kem “xịn” và kem bình thường, thì người khác lại cho rằng cùng một số tiền, chi bằng đi ăn bít tết không phải giá trị hơn nhiều sao? Người thứ 3 thì cảm thấy vô cùng hối hận, vì nếu không đi cùng hai người kia, mình đã tiết kiệm được một khoản rồi.
Do vậy, có thể coi trải nghiệm là nguồn dữ liệu tham khảo “càng nhiều lại càng ít”. Chúng ta cần thấy được bức tranh tổng quát trước khi đưa ra quyết định, bởi trong đó những người có những trải nghiệm giống nhau chưa chắc đã có cùng một nhận định.
Đã không ít lần, tôi nghĩ rằng nếu trước đây tôi tích cực cố gắng hơn trong việc học, thì có lẽ nhiều cánh cửa cơ hội làm việc đã mở ra cho mình. Tuy nhiên, nếu được các bạn học sinh, sinh viên hỏi, thì tôi không nghĩ mình sẽ đưa ra lời khuyên là: hãy “cày ngày cày đêm”. Ngược lại, tôi cũng không vội kết luận chất lượng công việc của một người có liên quan tới việc họ tốt nghiệp ở trường ĐH nào, hay sự nỗ lực của họ ở giảng đường.
Vì vậy, mỗi người cần có những trải nghiệm riêng, đó là cách khách quan nhất để tìm ra câu trả lời cho tương lai, thay vì tin áp dụng cách làm của người khác sẽ có hiệu quả với mình.
Điều quan trọng nhất
Không có người hoàn hảo, và không có cuộc đời hoàn hảo, chỉ có những yếu tố then chốt để khiến cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn.
- Khi rời xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà, người thân thường dặn bạn điều gì? Với tôi, đó là “hãy giữ gìn sức khoẻ”.
- Khi bước vào tuần học đầu tiên, giảng viên nói với bạn điều gì? Với tôi, đó là “hãy học hành chăm chỉ”.
- Khi chuyển đến một chỗ làm mới, đồng nghiệp cũ chúc bạn điều gì? Với tôi, đó là “dù không là đồng nghiệp nữa, chúng ta vẫn là bạn. Hãy giữ liên lạc nhé”.
- Khi lên mạng tìm hiểu về việc theo đuổi cuộc đời lý tưởng, bạn tìm ra điều gì? Với tôi, đó là: ngủ sớm + đủ giấc, luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh + đúng giờ, làm việc chăm chỉ hơn những người khác, đọc sách, tham gia khoá học online bổ sung kiến thức, dưỡng da, mở rộng kết nối xã hội, yêu bản thân, tiết kiệm tiền….
Và áp lực xuất hiện khi chúng ta muốn/được kỳ vọng phải làm tốt TẤT CẢ MỌI THỨ. Tuy nhiên, không ai có được tất cả, và kinh nghiệm sống đóng vai trò quan trọng trong việc “sàng lọc” này.
Tôi rất trân trọng những lời khuyên từ các bậc tiền bối, bởi những gì họ chứng kiến và trải qua nhiều hơn tôi có. Dù vậy, những tin tức liên quan đến việc học sinh phải tìm đến cái chết vì áp lực học hành do bản thân, gia đình và xã hội tạo ra luôn khiến tôi tự hỏi: sau nhiều năm sống, với biết bao thất bại, thành công, hối hận hay mỹ mãn, điều quan trọng nhất với chúng ta chẳng phải là mạng sống hay sao? Vậy hà cớ gì những bạn nhỏ chưa rời xa vòng tay của cha mẹ, lại không được dạy về điều đó?
Hay nhiều người chưa kịp nhận ra điều quan trọng nhất là gì, thì đã trở thành phụ huynh?
Rõ ràng, ai cũng mong muốn bản thân và người mình yêu thương có những sự lựa chọn đúng đắn, cả về định hướng ngành học, công việc, hay bạn đời. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng sẽ không có lựa chọn hoàn hảo nhất, bởi hoàn cảnh và con người luôn thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, cũng không có thể mãi mãi ở bên ta và giúp ta đưa ra quyết định. Thế nên, chi bằng hãy thiết kế cuộc đời của riêng mình bằng chính trải nghiệm cá nhân.
Đừng mong chờ lựa chọn đúng nhất cho mọi người, cho mọi thời điểm.
Hãy hi vọng những kinh nghiệm sống sẽ giúp ta có đủ trí khôn và can đảm, để biết mình đã chọn sai; và để chọn lại lần nữa!
Giang In Real Talk.
** Nội dung trong bài viết, bao gồm tư liệu hình ảnh và video (nếu có) thuộc quyền sở hữu của trang Giang In Real Talk.
** Mọi hình thức sao chép và đăng lại cần được thông báo và chấp thuận bởi chủ sở hữu. Liên hệ: gianginrealtalk@gmail.com